Nhìn lại chặng đường 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, có thể khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã hặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng đến giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…
Dệt may và da giày khẳng định tên tuổi “made in Vietnam”
Có thể khẳng định, trong quan hệ xuất nhập khẩu hai nước thì dệt may và da giày là hai mặt hàng chủ lực và đã có bước trưởng nhảy vọt cả về chất và lượng qua các năm.
Kể từ khi “đổi mới,” ngành dệt may và da giày trở thành một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng trong định hướng xuất khẩu. Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường hàng đầu thế giới tiêu thụ sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam.
Theo số liệu ước tính từ ngành công thương, năm 2019, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 15 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 song xuất khẩu giày dép 5 tháng đầu năm 2020 sang Mỹ vẫn đạt trên 2,43 tỷ USD, chiếm 36,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.
Đặc biệt, trong những tháng vừa qua khi dịch COVID-19 “hoành hành” với diễn biến phức tạp diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ vẫn đứng đầu về kim ngạch và đạt 4,84 tỷ USD.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết để nâng tầm thương hiệu thời trang trong nước, một số doanh nghiệp của Việt Nam như May 10 đã bắt đầu mang thương hiệu sơ mi ra nước ngoài, bán trên các trang như Amazon hay phân phối trong các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ…
“Trong thời gian tới, Vinatex khuyến khích các doanh nghiệp đưa thương hiệu của mình vào hệ thống các siêu thị phân phối lớn cũng như từng bước đưa thương hiệu của mình thâm nhập các thị trường này. Chẳng hạn như một số doanh nghiệp may mặc của Vinatex đang nghiên cứu đưa hàng vào hệ thống siêu thị Walmart…. để từng bước xây dựng thương hiệu, trực tiếp phân phối đến người tiêu dùng nước ngoài,” ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ thêm.
Cùng với dệt may, giày dép là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này. Năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 6,65 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2018.
Đại diện Hiệp hội Da-Giày-Tú xách Việt Nam (LEFASO), cho hay dù nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 song xuất khẩu giày dép 5 tháng đầu năm 2020 sang Mỹ vẫn đạt trên 2,43 tỷ USD, chiếm 36,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước. Điều này cho thấy các mặt hàng mang thương hiệu Việt vẫn được người tiêu dùng Mỹ tin tưởng và đánh giá cao.
Rõ rệt nhất là từ ngày 28/ 5 đến 30/5, 60 nhà nhập khẩu giày dép Hoa Kỳ đã giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam nhằm cập nhật tình hình thị trường giày dép Hoa Kỳ trong bối cảnh dịch COVID-19 và đánh giá triển vọng thời gian tới cũng như cách thích ứng trong bối cảnh mới đồng thời tạo cơ hội giới thiệu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực giày dép.
“Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã tạo ra được những bộ sưu tập và những bộ thiết kế để chào tới các khách hàng, giảm dần sự phụ thuộc vào các mẫu thiết kế của khách hàng như trước đây. Việc này ngày càng khẳng định bước tiến của các doanh nghiệp và thương hiệu Việt trong việc xuất khẩu ra nước ngoài,” bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chỉ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đạt 24,9 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 4,76 tỷ USD và xuất khẩu 20,16 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hoa Kỳ là máy móc, thiết bị, nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất và gần đây là nhóm hàng nông sản, hoa quả, thịt, sản phẩm thịt cũng được nhập khẩu nhiều hơn.
Khẳng định tầm quan trọng trong mối quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ, nhân dịp kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã truyền đi thông điệp: Trong hai thập kỷ qua, thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7.000%. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, giúp hàng triệu người thoát nghèo…
“Các công ty Mỹ đang tích cực hỗ trợ bằng cách đầu tư hàng tỷ đô la vào Việt Nam. Tôi đã chứng kiến tận mắt điều này khi đến thăm Việt Nam và nghe các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam chia sẻ về các dự án hợp tác đang diễn ra… Trong những năm tới, Hoa Kỳ và Việt Nam phải tập trung vào tương lai và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực từ an ninh mạng đến giáo dục, năng lượng và quốc phòng. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác của chúng ta vào năm 2020, chúng tôi tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh và độc lập cũng như một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng” ông Mike Pompeo phát biểu./.
Đa dạng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu
Ngay trong giai đoạn đầu tiên 1995-2000, sau 5 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng hơn 2 lần, từ con số 450 triệu USD lên 1,09 tỷ USD.
Điểm nhấn quan trọng tiếp theo, ngày 13/7/2000 tại Washington, Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (BTA) đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 10/12/2001. Điều này ngay lập tức tạo ra những động lực mới cho việc hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều xuất hiện tại thị trường này với số lượng lớn và chủng loại phong phú,”
Ông Bùi Huy Sơn nhớ lại từ khi Hiệp định thương mại song phương được ký kết, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Ngoài những nhóm hàng xuất khẩu như dệt may, da giày đã khẳng định vị thế thì nhóm hàng nông-thủy-hải sản cũng dần ghi vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng và mới đây nhất là những mặt hàng mới như linh kiện điện tử, đồ gỗ.
Con số thống kê cho thấy năm 2019 vừa qua, 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ, ngoài dệt may (24%), giày dép (11%) đã có thêm mặt hàng điện thoại và linh kiện (15%), máy tính và sản phẩm điện tử (10%), đồ gỗ (9%).
“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều xuất hiện tại thị trường này với số lượng lớn và chủng loại phong phú,” ông Sơn nói.
Ông Sơn lạc quan nhìn nhận: Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo đồng thời từng bước nâng cao giá trị gia tăng.
“Hiện Việt Nam có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD vào Hoa Kỳ; trong đó có các nhóm hàng xuất khẩu giá trị lớn như dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD),” ông Sơn nói.
Dưới góc độ phát triển thị trường, ông Nguyễn Hồng Dương-Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Âu-Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết nếu 20 năm trước, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 60 nhóm hàng sang thị trường Mỹ thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 90 nhóm hàng .
Kích hoạt các sáng kiến công nghệ số
Đánh giá tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh mới, vị Tổng giám đốc IBM Việt Nam nhấn mạnh: “Dễ nhận thấy nhất là sự bùng nổ của ngành bán lẻ và bất động sản. Tiêu chuẩn sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể, các ngành công nghiệp bắt đầu đầu tư cho tự động hóa, số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số. Các lĩnh vực mũi nhọn như ngân hàng, sản xuất bắt đầu kích hoạt các sáng kiến hỗ trợ chuyển đổi công nghệ thông tin.”
Theo ông Tan Jee Toon, sự gia tăng của các dịch vụ tư vấn chuyển đổi số toàn diện cho thấy nhu cầu của doanh nghiệp nội địa trong kế hoạch phát triển dài hạn. Bên cạnh đó, làn sóng người Việt Nam sống ở nước ngoài trở về quê hương đã góp phần nâng cao nền tảng kỹ năng công nghệ cũng như đầu tư kinh doanh và đây là một phần của hệ sinh thái.
“Điều chúng ta đều có thể nhận thấy là các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tích cực khai thác chuyên môn công nghệ cao từ bên ngoài đồng thời tăng tốc các kỹ năng của nguồn lực trong nước hơn bao giờ hết. Theo tôi, đó đều là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế,” ông Tan Jee Toon nói.
Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trở lại Việt Nam từ năm 1994, trải qua hơn 25 năm chứng kiến nhiều biến động từ môi trường, kinh tế và xã hội, đến nay Coca-Cola ngoài việc trở thành một biểu tượng về văn hóa ẩm thực của nước Mỹ thì họ còn được biết tới với nhiều đóng góp tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp thông qua những hành động cụ thể, thiết thực trong cộng đồng và xã hội ở đất nước hình chữ S.
“Khi quay trở lại, tôi đã chứng kiến những sự chuyển biến to lớn của cả nền kinh tế Việt Nam chỉ trong một thời gian rất ngắn,”
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong đó có Coca-Cola đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Lê Từ Cẩm Ly- Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững Coca-Cola Đông Dương vẫn đánh giá cao tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam với môi trường vĩ mô ổn định, dân số trẻ, năng động và ham học hỏi.
“Việt Nam là thị trường tiềm năng với nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư quốc tế mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế trong nước duy trì đà tăng trưởng khả quan. Là một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Coca-Cola đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam kể từ ngày đầu hoạt động. Các chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh đã cho phép chúng tôi tiếp tục sứ mệnh hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều sản phẩm có chất lượng dành cho người tiêu dùng, cũng như thực hiện các hoạt động cộng đồng,” bà Ly nhấn mạnh.